watch sexy videos at nza-vids!
Tải trò chơi cho điện thoại

Chim sẻ tóc xù, anh yêu em

Những người con gái tóc quăn thì số khổ, quăn tự nhiên chứ không phải loại thẳng mượt đem đi cuốn lọn nhuộm hoe hoe mà các chị em vẫn làm để trông cho sang trọng, quý phái. Những người con gái tóc xù, số càng khổ. Tóc xù, ấy là cái trường hợp xấu nhất của tóc quăn. Tức là quăn một cách vô hàng lối, vô trật tự. Người ta uốn tóc quăn cho đẹp, có ai lại đi làm tóc xù.

Chưa rõ số khổ theo ý các cụ vẫn nói là làm sao, khổ về tình duyên, tiền bạc, sự nghiệp hay gia đình? Nhưng cứ biết có cái khổ đầu tiên là về chuyện chật vật làm cho mớ tóc xù như rơm trên đầu thẳng lại. Nào là thuốc ép, duỗi điện, rồi thì tóc không ăn thuốc hay lại ăn thuốc theo kiểu thẳng tắp, khô rạc như kim loại và rụng xối xả mỗi khi chải đầu.

Phàm cái gì cứ muốn trái tự nhiên là khổ. Nhưng trái với nhân tình thế thái thì còn khổ hơn. Thời nay, người ta sống dựa vào nhau là chính, mấy nơi còn phụ thuộc vào thiên nhiên như cái thuở hồng hoang buổi nào? Thế là những người con gái tóc xù lại phải nhắm mắt đi xoá bỏ cái dấu vết trời sinh. Để cho hợp với quan niệm chung về cái đẹp, để không bị người ta bảo là sẽ “khổ cả đời”.

Cô có mái tóc xù bông từ thuở nhỏ, di truyền đấy. Mẹ cô tóc cũng quăn xù, để dài và luôn luôn không búi gọn lên cao, để lộ cái cổ cao gầy, có lúc bện chặt, thả một chùm đuôi sam nặng trĩu phía sau lưng. Ngày xưa thì lấy đâu ra ép tóc. Cứ làm thế, nhìn qua không ai biết là tóc xù. Nhưng đã lâu rồi, cô chỉ thấy mẹ búi tóc.
- Già rồi, tóc rụng hết, còn lơ thơ chẳng tết đuôi sam được nữa…
Mẹ cười buồn, nhắc đi nhắc lại mỗi lần cô thắc mắc những khi hai mẹ con cùng ngồi chải tóc cho nhau.
- Mẹ còn chưa đến năm mươi, già đâu mà già.

Mớ tóc còn đen, nếu thả ra, dày bông lên như thể mây trời, có nắm chặt lại trong tay cũng vẫn chắc nịch. Thế mà cô đã nghe mẹ nói thế từ những ngày chưa đầy mười tuổi. Gần hai mươi năm qua rồi, bây giờ mẹ vẫn còn đẹp thế, dáng người vẫn còn thanh mảnh, làn da vẫn trắng mịn, gò má ửng hồng mỗi khi cô con gái tinh nghịch giở trò trêu chọc, ửng hồng lên như lúc này… Rồi hai mẹ con lại rúc rích cười đùa với nhau.

Cô không có bố. Cô cũng đã thôi không hỏi mẹ về bố từ lâu. Từ khi biết hiểu, biết nhớ những lời hàng xóm láng giềng vẫn thì thào về cuộc sống không chồng của mẹ. Mẹ không còn tết tóc cũng chỉ vì những lời nói ấy. Với mái tóc tết đen huyền, thả lơ lửng sau lưng, mẹ ở tuổi ba mươi đẹp dịu hiền, đằm thắm lại như được điểm trang thêm cái sức sống ngọt ngào, mời gọi của những thuở mười tám, đôi mươi.

Thuở đó, người ta không ngại thả mình trôi theo những cuộc tình bồng bột nhiều cay đắng. Điều làm cho những phụ nữ khác e sợ người đàn ông của mình không kiềm chế nổi đam mê khiến mẹ đành an phận, giấu mình trong cuộc sống “một mẹ – một con” với công việc thủ thư của một nhà văn hoá nhỏ, tìm kiếm bình yên trong sự lãng quên của người đời.
- Mẹ không bao giờ hối tiếc đâu vì con chính là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời mẹ.
Cô đã khóc nức nở khi nghe những lời ấy. Hai mái tóc xù chụm lại hoà lẫn vào nhau. Tuổi lên mười thơ dại bỗng vụt lớn trưởng thành từ lúc nào chẳng biết.

Những người con gái tóc xù số sẽ khổ? Vì những định kiến của người đời là một lẽ. Lẽ khác là bởi chính tâm hồn của họ quá đỗi nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Và đã tổn thương rồi thì lại lặng lẽ khép lòng mãi mãi. Cô đã qua cái tuổi bồng bột như mẹ mình ngày xưa. Cô lạnh lùng, thẳng thắn đến độ tưởng như chẳng thể nào mắc phải sai lầm hay đúng hơn là sợ hãi việc bị tổn thương đến độ chẳng thể nào để cho mình phạm được sai lầm?
- Gần ba mươi đến nơi rồi, gái ba mươi đã toan về già. Không mau kiếm thằng nào để nó rước về cho nhanh, bắt mẹ nuôi cô đến bao giờ? Rỗi việc rồi lại bày trò nghịch phá mẹ.
Mẹ giả vờ tức giận nạt nửa đùa nửa thật mỗi khi bị con gái trêu chọc quá không nhịn được.

Cô đã qua cái tuổi bồng bột nhưng vẫn còn chông chênh trước cái mốc ba mươi của phận đàn bà. Đã toan về già đâu… Về già sao được, một mảnh tình đúng nghĩa còn chưa có “vắt ngang vai”. Cô dữ dội và nổi loạn. Da để trần cho cháy nắng, tóc xù bông cắt ngắn chẳng thèm ép nhuộm như một mặt trời nhỏ da nâu gắt gao toả nắng. Đến cái nghề cũng chọn những chuyến đi, phóng viên lăn lộn khắp vùng miền.
Mẹ cứ thở than làm thân con gái sao suốt ngày lang bạt, nhan sắc bạc đi, chẳng dắt nổi một thằng bạn trai về nhà.

Cô giấu mẹ những mối tình đã tàn khi chưa kịp chín, khi những chàng trai kia im lặng trước căn vặn của gia đình về thân phận mẹ con cô, về hai mái tóc quăn xù đóng dấu số phận long đong, lận đận. Cô lặng lẽ nuốt những giọt nước mắt nuối tiếc, tủi phận và tức giận vì lòng người. Thả tự do mái tóc trước vẫn cố ép cho ngoan hiền, thẳng mượt, chiều ý người yêu, cô buông mình vào những chuyến đi bất tận. Chợt nhận ra… nào có phải tình yêu khi đối phương chẳng yêu chính con người thật của mình.

Cô chán chê tìm kiếm đến nỗi quên mất mình đang tìm gì. Ngạo nghễ cười vào những tham lam đòi hỏi của đám đàn ông ích kỷ. Riết rồi cũng quen với cả nỗi cô đơn. Mẹ lại cứ tưởng là con gái mình ham chơi, quái tính.
- Lấy chồng làm gì? Nhà cửa, con cái rồi chẳng có thời gian đi chơi. Con ở nhà mẹ nuôi, vừa đỡ tốn tiền lại tha hồ bay nhảy.
Những cuộc chuyện trò tâm sự lần nào cũng thế, kết thúc bằng cái cốc yêu đau điếng của mẹ lên đầu cô con gái bướng bỉnh.

Những người con gái tóc xù số sẽ khổ? Cuộc đời có lận đận là một lẽ. Lòng tự trọng quá cao và sự phản kháng mạnh mẽ sẽ làm cho họ càng chật vật. Từ lúc nào, cô đã có cái thói quen dựng “gai góc” lên trước tất thảy những va chạm của người đời? Nước mắt tủi phận đã chảy đủ từ thuở còn thơ, đủ cho đến tận bây giờ.

Đồng nghiệp, bạn bè có người gọi cô là “phù thủy” vì cái sự bất cần và dữ dội của cô. Nhưng những ai thật sự biết cô thì hiểu tất cả chỉ là cái vỏ bề ngoài. Số khổ vận vào cô, có lẽ là cái bi kịch cô đơn trong lớp vỏ xù xì của mình. Những kẻ đủ sức phá bỏ khoảng cách lạnh lùng ấy để tiếp cận trái tim mềm yếu bên trong đã ít mà người vượt qua rồi có thể ở lại chở che cho nó dường như lại chẳng có một ai. Ở đời này, có chăng người ta sợ trách nhiệm phải nâng niu những thứ mong manh trên tay còn hơn là việc vượt núi cao hay vực thẳm?

Cứ thế cô lang thang độc bước với nỗi hoang mang vô tận của mình đã bao năm ròng. Cho đến ngày gặp anh…
- Tóc xù, ra ngoài đi! Không thấy thang máy báo quá tải rồi à?
Không để cho cô kịp ngơ ngác và phản ứng, từ phía ngoài, anh đã nhanh tay kéo tuột cô đang đứng sát cửa ra khỏi buồng thang chật chội giờ cao điểm đầu buổi sáng mà cô chỉ vừa mới bước vào. Cơn choáng váng bất ngờ trước việc bị một người đàn ông lạ mặt đối xử thô bạo nhanh chóng tan đi. Ngay lập tức, cô giật tay ra quát lại một tràng dài.
- Anh có bị làm sao không đấy? Ở đâu ra cái kiểu cư xử bất lịch sự như vậy? Không thấy tôi bước vào còn trước cả người cuối cùng à? Quá tải thì quá tải, để cho người ta tự đi ra chứ. Anh là cái gì mà lôi xềnh xệch người ta như thế hả?

Cô vừa mới trở về từ chuyến công tác làm phóng sự vùng biển đảo xa xôi, gần một tháng trời làm bạn với biển trời mênh mông, rộng lớn. Ngay ngày đầu tiên về tòa soạn đi làm còn chưa kịp quen lại với những bon chen thành thị, thành ra nỗi bực dọc dồn lại sau cả giờ chen lấn, tắc đường mà vẫn đi làm muộn, có bao nhiêu cô muốn xả ra bằng hết. Anh chỉ im lặng ngượng ngập cười trừ. Cơn giận còn chưa nguôi nhưng ánh mắt xung quanh đổ dồn vào hai người khiến cô ngại ngùng dừng lại.

Chuyến thang máy kế tiếp đã đến. Dòng người chen lấn xô đẩy vội vàng làm cô hụt chân suýt ngã. Một bàn tay nóng ấm mạnh mẽ giữ cô lại, bàn tay anh. Nhanh chóng và nhẹ nhàng, anh đã thu xếp được một góc trong cùng giữa cái không gian chật chội lèn chặt những bộ cánh công sở để ấn cô vào, che chắn phía ngoài để cô không bị chèn ép cho đến khi thang máy vơi bớt người qua mỗi điểm dừng. Cuối cùng chỉ còn lại hai người bước ra ở tầng cao nhất của tòa nhà. Cô ngạc nhiên thấy anh cùng bước vào tòa soạn. Người đồng nghiệp mới vào trong những ngày cô đi vắng, chưa kịp chào hỏi đã vội chạm trán oan gia như thế.

Mất cả ngày trời hôm sau để cô nguôi bớt những xáo trộn và bực dọc để có thể nhận ra ở anh vóc dáng cao ráo, nụ cười thân thiện, sự ga lăng, hào phóng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, đang là chủ đề bàn tán của tất cả phái yếu trong tòa báo. Nhưng tất cả chỉ càng làm cô thêm ghét anh. Những thứ ngọt ngào có mấy khi là chân thành và miễn phí?

Cô hùng hổ đến gây sự, mở lại cuộc tranh cãi hôm nào.
- Anh còn chưa xin lỗi tôi cái vụ bất lịch sự ở thang máy lần trước đấy. Hơn tuổi tôi nhưng mà vào sau thì vẫn là người mới. Có lỗi mà cứ lờ đi như thế là không được.
Đang cười nói vui vẻ giữa một đám đông toàn các chị em phụ nữ, nhận được câu nói như tát nước dữ dội của cô, anh bất ngờ im lặng một lúc, rồi bật cười hóm hỉnh:
- Vâng. Thế thì anh xin lỗi em, Sẻ Xù.

Mọi người xung quanh phá ra cười lăn lộn. Thế là thành biệt danh mới của cô: “Sẻ Xù”. Được sử dụng rộng rãi hơn cái tên “Xù” mà chỉ những người bạn thật thân của cô mới gọi. Cô tức giận trả đũa anh bằng cách tìm ra đủ thứ biệt danh để gọi lại. Tây, ta đủ cả, nào là Cao Kều, Đông Gioăng, Týp–phờ–nờ, Xuân Tóc Đỏ… Nhưng dường như ngoài cô ra, chẳng ai có ác cảm với anh. Chẳng ai gọi anh bằng những cái tên mà cô sáng tác. Trong khi biệt danh “Sẻ Xù” lại ngày càng ăn sâu, bám rễ. Đành phải quen đi nhưng cô vẫn chưa hết tức.

- Tóc tôi xù thì đã làm sao? Cớ gì mà anh lại gọi tôi là chim sẻ?
Cơn giận lâu lâu lại nổ ra những khi cô có chuyện bực mình hay mệt mỏi vì sức ép công việc.
- Vì mỗi khi có ai động vào là ngay lập tức em lại xù lông, xù cánh lên như thế đấy. Như ngay bây giờ đây này.
Vừa nói, anh vừa làm bộ vỗ tay để gọi mọi người nhìn vào bộ dạng của cô dở khóc, dở cười, phát cáu với anh, chỉ muốn lao vào đánh trả mà không được. Thật giống một con chim sẻ hung hăng. Nhưng anh chẳng bao giờ đùa dai. Chỉ cần làm cho cô giận một chút, ngay lập tức anh đã vội làm hòa.
- Thôi, hôm nay làm đến đây mệt rồi. Tôi lại vừa đắc tội với “Sẻ Xù” nên phải mời chè đền tội, nhân tiện mời tất cả mọi người luôn.

Cứ thế thì chẳng ai ghét anh cho được. Cả đến cô cũng dần thấy hết ác cảm với anh từ lúc nào.
Những chuyến công tác xa, anh bao giờ cũng là người xông xáo dẫn đầu vượt những chặng khó khăn và luôn giúp đỡ người khác, mang vác hành lý, có khi lại cõng cả những đồng nghiệp nữ băng qua suối lạnh. Những hành động ga lăng làm trong những điều kiện thuận lợi ở cuộc sống thành thị hiện đại không khó nhưng giữa chốn núi rừng hoang vu hay biển nước lụt mênh mông lại có thể âm thầm chăm sóc đến người khác như vậy thì phải là xuất phát từ sự quan tâm chân thật.

Cô là người ghi chép phóng sự, viết bài. Anh là phóng viên ảnh. Vậy mà nhiều khi trở về sau những chuyến đi, nhìn lại những bức ảnh anh chụp, cảm xúc trong cô về những vùng miền đã qua còn sâu sắc hơn lúc đứng nhìn tận mắt. Từ bao giờ, hình ảnh của anh bỗng chen vào trong suy nghĩ của cô mỗi khi mẹ nhắc đến chuyện yêu đương, lấy chồng, không ít lần khiến cô đỏ mặt. Anh sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bất cứ người con gái nào may mắn. Nhưng cô hẳn không nằm trong danh sách này.

Những người con gái tóc xù, hạnh phúc nào đâu có dễ dàng đến thế? Cái nhìn là lạ bất chợt anh dành cho cô những lúc chỉ có hai người, cô thoáng thấy nhưng lại chẳng muốn tin là thật. Người như anh, tìm thấy gì ở một cô gái chẳng có chút ngoan hiền hay đẹp xinh nổi bật? Và nếu như anh biết về thân thế của cô, biết được lý do đã khiến những mối tình trước kia tàn phai khi chưa kịp chín, anh có còn nhìn cô như những lúc này?

Anh đã biết về tất cả những điều ấy khi lý trí sắt đá của cô cũng không ngăn được thứ rượu ngô cay nồng say ngấm vào tận con tim hòa quyện với nỗi cô đơn, thấy mình nhỏ nhoi quá đỗi giữa núi rừng Hà Giang bao la trong chuyến công tác cuối năm về miền Tây Bắc địa đầu tổ quốc. Bao nhiêu nỗi buồn đau, thất vọng, hoang mang, cay đắng của đời mình, cơn say thay lời cô đem kể ra tất cả. Để rồi gục xuống vai anh, cô khóc nức nở tưởng như không thể nào dỗ nổi.

- Em có biết là anh đã muốn kéo em về phía mình ngay từ lúc nhìn thấy em ở cái cầu thang máy đấy không? Bây giờ thì anh chỉ muốn giữ chặt em trong tay như thế này, mãi mãi…
Một nụ hôn dè dặt trao nhau. Cô biết là chính cô làm chứ không phải men rượu say sai bảo. Những người con gái tóc xù tự biết là yêu rồi sẽ khổ nhưng cũng không ngăn nổi mình nỗi khao khát yêu thương.

Cô đến với anh bằng trái tim vẫn chưa vơi hết hoang mang, sợ hãi. Những đêm dài trằn trọc, thấp thỏm như thể đang cầm trong tay thứ đi mượn chứ không phải của mình. Anh gợi chuyện đưa cô đến nhà ra mắt bố mẹ. Cô gạt đi. Anh hỏi thăm việc mẹ cô ở nhà. Cô gay gắt phản đối. Cô chưa từng đưa một người bạn trai nào về nhà, chỉ vì lo sợ đến lúc phải chia tay, mẹ sẽ buồn nếu nghĩ lỗi ấy là do mẹ. Cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái ngày rời xa anh nhưng chẳng hiểu vì lẽ gì mà cứ lần nữa ra hạn cho mình để dùng dằng níu kéo.

Rồi một ngày đi làm về đến nhà, đã thấy anh ngồi trong cười nói với mẹ. Anh không hề hỏi ý kiến cô đã tự tìm địa chỉ đến nhà thăm mẹ. Anh vừa thay cho mẹ con cô cái bóng đèn cháy trước hiên. Nhà không có đàn ông, đèn cháy cả năm cũng không có người thay bóng.
- Hai đứa quen nhau từ lúc nào rồi mà chẳng nói gì với mẹ? Con với cái… Vào đây mà tiếp nước nói chuyện với người ta.
Mẹ cô cười sáng bừng cả đôi mắt.
Chẳng nói chẳng rằng, cô mím môi tức giận kéo anh ra khỏi nhà, vừa đi vừa khóc. Chắc là sẽ đi mãi nếu anh không níu cô dừng lại. Cô vùng vằng giật tay khỏi anh. Cô giận dữ. Cô mắng anh là kẻ lừa đảo, không biết giữ lời, không biết tôn trọng. Cô đòi chia tay với anh… ngay lập tức.

Anh chỉ im lặng lắng nghe, chờ đợi đến khi cô thấm mệt, kéo cô đã không còn sức phản kháng vào lòng.
- Ngày mai chúng mình đến nhà anh. Anh sẽ bảo bố mẹ hỏi mẹ em chuyện cưới xin ngay lập tức.
Cô choáng váng suýt ngã khuỵu nếu không có vòng tay anh đỡ. Nỗi sợ hãi quá khứ và những ám ảnh không tên lấn át cả niềm hạnh phúc trong tình yêu mà lẽ ra phải có khiến cô hoảng loạn. Cô lại bật khóc nức nở…
- Cuộc đời này đâu phải chỉ có toàn những chuyện đáng buồn? Sao em không thể để cho mình cơ hội được nhận một tình yêu trọn vẹn và cũng là cho anh cơ hội được yêu em hết mình như anh vẫn muốn? Anh không hứa với em là mọi việc đều có thể dễ dàng đâu nhưng dù thế nào thì anh cũng sẽ không bao giờ bỏ rơi em một mình. Vì thế xin em đừng có tìm cách trốn chạy anh hay lại vỗ cánh bay đi mất đấy.

Những người con gái tóc xù, chạy trốn tình yêu mãi nhưng rồi cũng đến lúc sẽ bất chấp tất cả để ngã vào yêu thương không còn do dự.
… Con chim sẻ của anh
Con chim sẻ tóc xù
Đừng buồn nữa nhá
Bác thợ mộc nói sai rồi
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước lại trong veo đến thế
Sao anh lại yêu em đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi!
(Trích “Phố ta” của nhà thơ Lưu Quang Vũ)

Một lúc lâu sau, đã hết khóc, nhìn vào bóng mình phản chiếu trong ô cửa kính thẫm màu của quán cà phê gần đấy, tự nhiên như sực nhớ ra điều gì, cô rời khỏi bờ vai anh, đưa tay lên vuốt tóc rồi ngập ngừng hỏi:
- Em có nên đi làm tóc lại trước khi đến gặp bố mẹ anh không nhỉ?
Anh bật cười như thể vừa nghe được một câu gì ngớ ngẩn, xoa mái tóc ngắn xù tung bất trị của cô rồi tiện hai tay ôm lấy khuôn mặt cô mà đặt lên trán một nụ hôn âu yếm.
- Không đâu, anh chỉ muốn em là con chim sẻ tóc xù của anh mãi mãi. Chim sẻ tóc xù, anh yêu em!

QUAY LẠI

Truyện tình yêu hay

Tải trò chơi cho điện thoại
VỀ TRANG CHỦ
24/25